2 cô bé tại ngôi làng chài Mondarmoni ở bang Tây Bengal (Ấn Độ) được mệnh danh “những đứa trẻ thần kỳ” nhờ biệt tài ăn ớt. Mỗi em bé có thể “tiêu thụ” ngon lành 3 kg ớt mỗi ngày.
|
2 chị em Joshna và Shanti (Ảnh: Southasianpost). |
Mới 5 và 7 tuổi nhưng Joshna và Shanti không thích kẹo bánh tẹo nào. 2 cô con gái rượu của anh Jatin Sadhu chỉ đòi ăn ớt.
“Shanti bắt đầu ăn ớt năm 2 tuổi còn Joshma lần đầu nếm mùi ớt khi lên 4 tuổi. 2 đứa chẳng bao giờ phàn nàn ớt cay hay bị sưng vù ở miệng bao giờ”, ông bố Jatin nói.
Anh Jatin cho biết, ngày nào anh cũng phải “trợ cấp” cho mỗi cô con gái từ 2-3 kg ớt, loại ớt xanh cay xè mà nhiều người chỉ cần nếm thử đã thấy bỏng lưỡi. Shanti và Joshma ăn quá đỗi ngon lành khiến dân làng tưởng chúng đang ăn… kẹo và hoa quả.
Tuy nhiên anh Jatin không bao giờ phải buồn phiền vì thiếu ớt bởi cậu em rể Arun Mondal là một nông dân trồng ớt: "Trước đây, Arun thường đưa 2 con bé tới trang trại ớt của chú ấy. Tới một ngày nọ, Arun vô tình được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ là Shanti cặm cụi hái ớt, rồi ngồi ăn hết sạch nắm ớt vừa hái".
"Chú ấy tưởng con bé sẽ lăn ra kêu khóc vì cay nhưng nó vẫn bình thản như không. Kể từ đó, Shanti trở nên nghiện ớt và không lâu sau bé Joshna cũng gia nhập để cổ vũ cho chị luôn".
Mỗi khi có phóng viên tới Mondarmoni hỏi về con gái của anh Jatin, người dân làng chài ai cũng tấm tắc khen cặp chị em này chắc hẳn phải được Chúa phù hộ và ban cho khả năng ăn ớt không ai sánh kịp.
“Tôi đã đưa 2 đứa tới một bác sĩ trong vùng để khám, ông Swapan Samadder cho biết chúng hoàn toàn khỏe mạnh. Ông ấy nói vị giác của 2 đứa không phân biệt được bất kì độ nóng hay cay nào”, anh Jatin nói.
Bác sĩ Samadder cho biết điều khiến ông thực sự kinh ngạc là gan và các bộ phận nội tạng của 2 cô bé không hề bị ảnh hưởng sau khi ăn nhiều ớt đến vậy. Tuy nhiên ông vẫn khuyến cáo anh Jatin không cho con gái ăn ớt nữa vì về lâu dài sức khỏe của chúng sẽ bị ảnh hưởng.
Đàm Loan
Theo Southasianpost