Đi ăn Cồn Hến từ lâu đã trở thành tên gọi thân thương đi vào tâm thức của người dân xứ Huế và biết bao du khách khi có dịp ghé thăm vùng đất cố đô này. Không có những công trình kiến trúc đồ sộ hay những trung tâm mua bán, kinh doanh sầm uất mà cồn Hến chỉ có một không gian rất nên thơ Từ cầu chợ Dinh nhìn lên cồn Hến xanh mướt, trong như viên ngọc, hai bên là sông Hương êm đềm ôm trọn cồn Hến vào lòng, phía Nam của cồn Hến là những địa điểm dừng chân nổi tiếng với cảnh quan đẹp tựa bức tranh như khách sạn Hương Giang, Century, Tân Hoàng Đế... Đêm đêm, hò Huế trên sông Hương cất cao trong vút với nhịp gõ phách hoà vào tiếng đàn bầu thật quyến rũ và lay động hồn người.
Nằm ngay trung tâm thành phố, con đường dẫn đến cồn Hến Vỹ Dạ rất đẹp với không khí trong lành, tạo nên cảm giác thoải mái cho du khách và cả người dân Huế. Nói đến cồn Hến, người ta nghĩ ngay đến những tô bún hến, cơm hến và những ly chè bắp. Cơm hến, bún hến ở đây không chỉ là một món ăn mà còn là sự chế biến, pha trộn nghệ thuật của người dân Huế. Hến có vị mát nên người ta thường trộn với ớt, tỏi, gừng, những gia vị có độ cay nồng cao để tạo hương vị thơm ngon. Không nơi nào lại có một tô cơm hến ngon và đậm đà như ở cồn Hến, đặc biệt là món chè bắp mát ngọt. Bởi lẽ, tất cả nguyên liệu đều được lấy tại địa phương.
Hến được lấy từ sông Hương, bắp được trồng ngay trong cồn, chính vì vậy giá cả các món ăn này rất rẻ, chất lượng phù hợp với thói quen ăn vặt của người dân thành phố. Trong khu vực có 600 hộ dân, hầu hết đều mở quán kinh doanh các món ăn đặc sản của địa phương. Từ đó, khu Cồn Hến - Vỹ Dạ với những món ăn xứ Huế đã được hình thành.
Đi chơi
Cồn Hến ngày trước là một làng định cư nghèo của dân giang hồ tứ xứ, thuộc xã Hương Lưu, phường Vĩ Dạ, cách trung tâm thành phố Huế chừng vài kilômét. Gọi là cồn bởi đây là bãi đất phù sa rộng nổi lên giữa sông Hương. Trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành Huế xưa, nơi này được đặt tên là "Tả Thanh Long". Còn người dân chỉ quen gọi nôm na là cồn Hến, muốn biết mực nước lụt ở Huế năm ấy lớn hay nhỏ, dân Huế thường hỏi nhau " Cồn lụt chưa? "
Dòng sông Hương chảy qua nơi này nước trong vắt, sáng sớm, cồn Hến nhạt nhoà sương trắng. Con đường nhỏ như một như một sóng dao cắt đôi làng, hai bên những hàng râm bụt xanh ngắt, tĩnh mịch. Chạy thẳng một đoạn, uốn cong một đoạn rồi bị chặn ngang bởi sông Hương. Cồn Hến không có gì ngoài hến, vỏ hến bao phủ hết toàn bộ cồn từ những con đường, những sân nhà. Mỗi lớp vỏ hến chồng lên mang một màu sắc khác nhau, lớp dưới cùng dần quyện tan vào đất. Bước trên con đường cồn Hến, sẽ xao lòng nghe tiếng vỏ hến lạo xạo vỡ tan dưới chân...
Sẽ mất tiêu...
Ở cồn Hến, thời gian mỗi ngày bắt đầu bằng tiếng máy cào hến xé tan không khí tĩnh mịch, tiếp nối bằng những làn khói trắng và mùi hến luộc và kết thúc trong những xóm nhỏ bên những tô cơm, bún hến thơm nức. Hoàng hôn, sắc đỏ mặt trời quyện vào màu xanh cồn rồi thả xuống sông Hương làm nên một bức tranh mê đắm lòng người.
Cồn Hến chỉ bao gồm bốn xóm nhỏ im ắng, đông vui là nhờ khách qua cồn, ăn một tô bún hến, bởi vậy, Huế dù có thay đổi thì cồn Hến vẫn luôn giữ được nét xưa trong món cơm hến nổi tiếng gồm 13 vị đặc trưng của một gánh hàng rong "đặc sản" của các o, các mệ trên cồn luôn dành tặng khách những nụ cười đầm ấm và một bát nước chè để ấm lòng sau khi ăn cơm hến.
Từ năm 2002, cồn Hến thuộc diện quy hoạch làm khu du lịch, mọi việc đều phải "chờ" nhưng bao lâu thì quả là câu hỏi khó. Người cồn Hến không rõ dự án được triển khai như thế nào, từ khâu chuẩn bị, thời điểm thực hiện, địa điểm tái định cư, mức độ đền bù... ra sao. Vì vậy đến chơi cồn Hến là một hành trình của cảm xúc, hoài niệm về cái đẹp sâu lắng bởi rồi đây nó sẽ không còn trường tồn qua gió bụi thời gian và cao trào xây dựng đô thị hoá vùng ngoại ô Huế.
Vũ Hào
(Theo Lao Động)